Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Thấy hay, copy qua


Kết hôn đồng tính có đe dọa văn hóa truyền thống?

- “Gia đình có một chức năng mà khó một thiết chế xã hội nào có thể gánh vác được, đó là chức năng thỏa mãn tình cảm đôi lứa”.
Kết hôn giữa những người cùng giới tính đang là một vấn đề xã hội nhạy cảm. Bên cạnh thái độ cởi mở hơn của dư luận xã hội đối với vấn đề này, vẫn còn không ít ý kiến phản đối gay gắt với lý do nó sẽ phá vỡ tập quán văn hóa truyền thống, thậm chí có thể làm xói mòn hệ giá trị gia đình mà nhiều thế hệ người Việt Nam vốn tin tưởng.
Vậy hệ giá trị văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ bị đe dọa bởi hôn nhân đồng tính là những giá trị nào?
Báo VietNamNet xin được giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Quỳnh Phương - Tiến sĩ nhân học của Viện nghiên cứu văn hóa, nhằm làm sáng tỏ thêm về các vấn đề.
Gia đình truyền thống và xã hội nông nghiệp
Khái niệm “gia đình truyền thống” có thể được hiểu một cách khác nhau, nhưng nhìn chung, đó là loại hình gia đình của xã hội nông nghiệp với phương thức sản xuất tiểu nông tự cung tự cấp trong cấu trúc tương đối khép kín của làng xã.
Nói cách khác, đó là xã hội trước khi có sự thâm nhập mạnh mẽ của những giá trị “ngoại lai” và sự phát triển của các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại. 
Hình ảnh trong đám cưới đồng tính nam tại TP.HCM của cô dâu và chú rể có tên thân mật trên FB là Pin và Nel giữa năm 2011.
Trong bối cảnh ấy, mỗi gia đình là một đơn vị tự quản, thỏa mãn phúc lợi suốt đời cho các thành viên (sinh, bệnh, lão, tử), và vì thế, con người khó có thể tồn tại nếu không có gia đình, hoặc ngoài gia đình.
Các chức năng cơ bản của gia đình truyền thống thường được nhắc tới là: chức năng sinh sản, chức năng kinh tế (tự sản xuất – “chồng cày vợ cấy”), chức năng xã hội hóa – giáo dục trẻ em, và chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý tình cảm.
Trong bốn chức năng ấy, chức năng sinh sản được xem là quan trọng nhất, bởi vậy nhiều người tin rằng mục đích duy nhất của hôn nhân là để sinh con đẻ cái.
Gia đình được thiết lập như là một liên minh sinh sản, lưu truyền dòng giống, và để kiểm soát hoạt động tình dục của con người. Có thể nói, đây là giá trị hàng đầu của gia đình truyền thống. Cũng vì lý do này mà hình thức hôn nhân duy nhất được chấp nhận là hôn nhân dị tính, và năng lực sinh sản – trước hết của người phụ nữ - được đề cao. Người phụ nữ không có khả năng sinh con là phạm phải một trong 7 tội (“Thất xuất”), sẽ bị chồng và gia đình chồng ruồng bỏ.
Cũng vì thế, gia đình ở thời kì này, dù không có hạnh phúc (không thỏa mãn nhu cầu tâm lý tình cảm) vẫn cố gắng duy trì vì lý do con cái.    
Gia đình trong bối cảnh mới của lịch sử
Gia đình hiện nay lại là loại hình gia đình đang ở trong thời kỳ quá độ từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện đại với nền kinh tế thị trường quốc gia và quốc tế.
Gia đình mang ý nghĩa một đơn vị tiêu dùng hơn là đơn vị sản xuất. Gia đình không còn là đơn vị tự thỏa mãn các nhu cầu, mà đã được sự trợ giúp của rất nhiều thiết chế xã hội khác (nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão).
The Kids Are All Right (Trẻ con luôn đúng) - một bộ phim gây nhiều tiếng vang năm 2011 về một gia đình đồng tính nữ.
Ngay ở những gia đình dị tính, sinh sản không còn là mục đích tối cao của hôn nhân. Gia đình vẫn hạnh phúc dù không có con, hoặc xin con nuôi. Nếu vô sinh mà muốn có con họ vẫn có thể sử dụng sự trợ giúp của y tế hiện đại.
Từ một đơn vị đa chức năng trong xã hội truyền thống, ở gia đình hiện nay, các chức năng đã được tải bớt ra ngoài gia đình.
Chỉ có một chức năng mà khó một thiết chế xã hội nào có thể gánh vác được, đó là chức năng thỏa mãn tình cảm đôi lứa. Chức năng này vốn bị coi nhẹ trong gia đình truyền thống, nay đã được đẩy lên hàng đầu.
Như vậy, sự thay đổi hệ giá trị chức năng của gia đình đã và đang diễn ra ngay ở bản thân các gia đình dị tính.
Tại sao có sự thay đổi này?
Nguyên nhân cơ bản của sự thay đổi giá trị gia đình lại nằm ở những biến động của đời sống kinh tế-xã hội-văn hóa, và không liên quan gì đến liên kết hôn nhân dị tính hay đồng tính. Nếu sự phá vỡ những tiêu chí giá trị truyền thống có thể xảy ra ở cả các gia đình dị tính, thì việc dự báo rằng hôn nhân đồng tính làm xói mòn giá trị truyền thống gia đình, phải chăng là sự kết án khiên cưỡng?
Trong xã hội hiện đại, do áp lực bộn bề của cuộc sống, mục tiêu được con người kỳ vọng nhất trước ngưỡng cửa hôn nhân là gia đình trở thành một “mái ấm”, là nơi an toàn, yên ổn, là nơi con người được thỏa mãn nhất những nhu cầu tâm lý tình cảm. “Quyền được mưu cầu hạnh phúc” là một trong những quyền quan trọng nhất của con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong Bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên.
Mỗi con người, dù với những bản dạng tình dục khác nhau, đều có quyền kiếm tìm hạnh phúc. Nếu thừa nhận nhu cầu tình dục đồng giới không phải là bệnh (như Tổ chức Y tế Thế giới đã nhấn mạnh từ năm 1990), mà là một xu hướng có tính tự nhiên, không thể khuyến khích hay ngăn cản, thì việc hợp pháp hóa nhu cầu cam kết tự nguyện của người đồng tính là việc nên làm. 
Hạnh phúc và yêu thương là quan trọng.
Khi sự cam kết của họ được luật pháp ghi nhận, một mặt sẽ nâng cao ý thức về trách nhiệm và bổn phận của người trong cuộc, mặt khác, Nhà nước sẽ giữ được vai trò bảo vệ, điều chỉnh, kiểm soát các tương quan dân sự của các thành viên, bảo đảm được sự ổn định của xã hội.
Xã hội Việt Nam đã và đang biến đổi không ngừng với muôn vàn khía cạnh đa dạng của nó. Trong sự vận động ấy, những giá trị văn hóa cũng luôn biến đổi một cách tự nhiên. Nội hàm của khái niệm “thuần phong, mỹ tục” cũng thay đổi theo thời gian. Nhiều giá trị được coi là cơ bản trước đây đã giảm ý nghĩa trong xã hội hiện đại.
Nếu như trước đây gia đình không sinh được con trai gặp áp lực nặng nề vì bị “tuyệt tự” thì giờ đây nhiều gia đình lại mong ước có con gái.
Nếu như trước đây những phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đã từng bị kỳ thị và dè bỉu thì giờ đây cũng được xã hội coi là điều bình thường.
Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, đến giai đoạn hiện nay, chúng ta đã và nên chấp nhận sự đa dạng của các kiểu loại gia đình thay cho hình ảnh nhất thể hóa về kiểu loại, về cấu trúc như gia đình truyền thống.
Thế nào là một gia đình hạnh phúc?
Con người hôm nay chịu tác động của rất nhiều hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, đặc biệt là có những quan niệm không giống nhau về hạnh phúc. Vì thế, không thể đóng khuôn lại trong chuẩn mực một kiểu loại gia đình nào đó, bởi lẽ trong nhiều trường hợp, tuy gia đình có đầy đủ vợ chồng, con cái, nhưng người ta vẫn không cảm nhận được hạnh phúc.
Tất nhiên, kiểu loại gia đình dù đa dạng đến mấy cũng chỉ được cộng đồng chấp nhận khi đó là hôn nhân cá thể, không phá hoại hạnh phúc của gia đình khác, cũng như bảo đảm trật tự - ổn định xã hội.
Hãy cho con người, không phân biệt dị tính hay đồng tính, được quyền lựa chọn hạnh phúc của chính mình.
Khi cá nhân thực sự tìm thấy hạnh phúc của mình, họ sẽ có điều kiện để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, và tất yếu đẩy mạnh sự phát triển của cả xã hội. Đó sẽ là một xã hội tôn trọng sự đa dạng và khác biệt một cách thực tiễn. Và đó sẽ là một xã hội nhân văn mà con người luôn muốn hướng tới.
Phạm Quỳnh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét